Giỏ hàng
ĐỊNH HƯỚNG CỦA BỘ Y TẾ TRONG THỜI GIAN TỚI NHẰM CHẶN VẤN NẠN THỰC PHẨM BẨN

ĐỊNH HƯỚNG CỦA BỘ Y TẾ TRONG THỜI GIAN TỚI NHẰM CHẶN VẤN NẠN THỰC PHẨM BẨN

Dinh-huong-cua-bo-y-te-trong-thoi-gian-nham-chan-van-nan

Vấn nạn mất an toàn thực phẩm đang khiến người dân lo lắng, về phía cơ quan quản lý, thời gian qua Ban chỉ đạo quốc gia 389 đã có nhiều động thái tích cực để hạn chế tình trạng nêu trên.

Phóng viên đã có buổi phỏng vấn PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Thành viên Ban chỉ đạo 389 trả lời tin cụ thể về định hướng của Bộ Y tế trong thời gian tới nhằm chặn vấn nạn thực phẩm bẩn.

PV: Thông tin nhiều loại thực phẩm bẩn được bắt giữ với số lượng lớn thời gian qua khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang lo lắng. Vậy với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến thực phẩm ông có thể cho biết kế hoạch triển khai thời gian tới của Bộ Y tế để góp phần ngăn chặn vấn nạn này?

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Hiện nay cả nước đang trong thời gian diễn ra Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2016 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Trong thời gian này(15/4- 15/5/2016) Bộ Y tế,  Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh 6 Đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động. Bên cạnh 6 Đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố.

Mục đích của đợt thanh, kiểm tra này là kiểm tra, đánh giá việc triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 của các cấp, các ngành; việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm tập trung vào các thực phẩm là rau, thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt theo chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 .

Thông qua đợt thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài công tác thanh, kiểm tra thì công tác thông tin, giáo dục, truyền thông cung cấp các kiến thức, văn bản quy phạm pháp luật an toàn thực phẩm đến các đối tượng như người quản lý, người kinh doanh, sản xuất và người tiêu dùng thực phẩm an toàn là hết sức quan trọng.

Chính vì vậy trong thời gian qua Bộ Y tế đã giao đầu mối là Cục An toàn thực phẩmkết hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Website của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (vfa.gov.vn) hoạt động 24/24h, là trang thông tin, ngôn luận chính thức.

Bộ Y tế cũng đã mở một chuyên mục riêng trên Cổng TTĐT có tên “ Chung tay vì an toàn thực phẩm”.  Chuyên mục cụ thể được sử dụng để đăng tải các thông tin chỉ đạo, điều hành công tác quản lý, đăng tải kịp thời các thông tin chỉ đạo địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đăng tải các thông tin, bài tuyên truyền phổ biến kiến thức đến người dân trong vấn đề đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; thông tin cảnh báo nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam cũng như các cảnh báo của các nước trên thế giới. Đường link cụ thể như sau (http://moh.gov.vn/news/Pages/BoYTeVoiAnToanThucPham.aspx)

PV: Vậy để thực phẩm an toàn đến với người dân, theo ông nguyên nhân ở khâu nào, phải chăng do mối lợi lớn mà việc kinh doanh thực phẩm này đem lại hay lỗ hổng quản lý khiến các đối tượng lợi dụng?

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Có ba đối tượng chính tham gia vào vấn đề an toàn thực phẩm là Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhà nước phải ban hành các chính sách, kiểm tra, giám sát, thực hiện các chính sách này. Các văn bản pháp luật hiện đã đầy đủ, đáp ứng công tác quản lý. Vấn đề là thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, khi mà nhân lực vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là một số cán bộ còn buông lỏng quản lý, giám sát thực thi pháp luật chưa nghiêm. Kinh phí dành cho an toàn thực phẩm đã được chỉ đạo tăng cường, nhưng thực tế chỉ bằng 20-25% của Thái Lan.

Với người sản xuất kinh doanh, do thiếu hiểu biết và vì lợi nhuận nên sẵn sàng đưa ra thị trường những sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Tôi không đổi lỗi cho người tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng cũng phải tham gia vào đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực tế, do điều kiện kinh tế, do thiếu hiểu biết và tính dễ dãi nên nhiều người vẫn sử dụng thực phẩm mất an toàn. Một gánh hàng ăn bán rong cạnh một thùng rác, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý, sau đó là của người bán hàng, nhưng lẽ ra người tiêu dùng cũng phải tẩy chay, không sử dụng sản phẩm nhưng thực tế cho thấy vẫn có rất nhiều người chấp nhận sử dụng thực phẩm mặc dù biết là mất an toàn.

PV: Được biết thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp rất tốt cùng các cơ quan liên quan như Quản lý thị trường, Công an, Hải quan để hạn chế thực phẩm bẩn. Vậy về phía cơ quan quản lý Bộ Y tế thời gian tới có đề xuất, kiến nghị gì để việc phối hợp này được chặt chẽ, thường xuyên, thông suốt?

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Việc toàn xã hội quan tâm đến an toàn thực phẩm vừa là cơ hội, vừa là thách thức với cơ quan quản lý. Yêu cầu về thực phẩm an toàn chính đáng và là quyền cơ bản của người tiêu dùng.  Do đó, thách thức đầu tiên đòi hỏi cơ quan quản lý phải cố gắng hơn, siết chặt các quy định và thanh, kiểm tra để giám sát và ngăn chặn tối đa thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường.

Năm 2014, bình quân xử phạt một vụ vi phạm an toàn thực phẩm là 2 triệu đồng, năm 2015 là 3,5 triệu. Các tỉnh thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng xử lý không đáng kể. Vì thế, thời gian tới muốn bảo đảm an toàn thực phẩm các cơ sở cần phải kiên quyết hơn với việc xử phạt, đồng thời công bố các cơ sở vi phạm để người dân biết, đồng thời, biểu dương các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch. Nếu không, người dân sẽ mất lòng tin và ảnh hưởng đến sản xuất.

Khi người dân và xã hội quan tâm đến an toàn thực phẩm, thì Nhà nước, Chính phủ phải quan tâm, phải đầu tư hơn nữa cho công tác quản lý, cho hệ thống tổ chức, các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm. Hiện nay hệ thống quản lý về an toàn thực phẩmvừa thiếu cán bộ vừa yếu về chuyên môn vì chúng ta chưa có trường lớp nào, mà phải vừa làm, vừa nghiên cứu, học hỏi để tham gia công tác quản lý.

Mạng lưới trong ngành Y tế, đến năm 2009- 2010 mới hình thành Chi Cục an toàn thực phẩm ở tuyến tỉnh và cán bộ từ các ngành về, cán bộ vẫn còn yếu và thiếu, đặc biệt ở tuyến xã phường, nơi tiếp xúc trực tiếp với các cơ sở sản xuất, các hộ chăn nuôi, trồng trọt. Thậm chí, có nơi, cán bộ đã yếu và thiếu lại còn buông lỏng quản lý, thực hiện pháp luật không nghiêm.

Tuy nhiên, rủi ro do sử dụng thực phẩm không chỉ là thách thức với Việt Nam mà với tất cả các nước. Nói thế không có nghĩa là bao biện cho những tồn tại đang phải đối mặt, nhưng các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn có sự cố về an toàn thực phẩm. Ở Mỹ, đời sống và dân trí cao, hệ thống pháp luật, đặc biệt ý thức pháp luật của người dân đều tốt, nhưng mỗi năm vẫn có 48 triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm.

Trong khi ở Việt Nam, đời sống còn khó khăn nên đôi khi biết thực phẩm không an toàn hay không rõ nguồn gốc, có nguy cơ cao vẫn phải sử dụng vì không có lựa chọn. Vì thế, thực phẩm “bẩn” đáng phải tiêu hủy thì vẫn còn “đất” sống. Tuy nhiên, vẫn còn tỉ lệ rất lớn thực phẩm trong ngưỡng an toàn. Vấn đề là phải truyền thông chỉ rõ được địa chỉ, sản phẩm nào là an toàn đang còn yếu. Đáng tiếc là có cơ sở đã được chứng nhận là an toàn lại trà trộn sản phẩm không an toàn vào, mất lòng tin của người tiêu dùng, như vụ tuồn rau không sạch ở Công ty Trung Thành vào trường học tại Hà Nội đã được xử lý rất nghiêm.

Do vậy tôi cho rằng, muốn làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý, các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải chia sẻvà có trách nhiệm hơn nữa nếu không sẽ mất lòng tin của toàn xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước./.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Từ khoá:

Chia sẻ

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin